Cơ quan hải quan cho biết, quy mô xuất khẩu của TP HCM đến hết tháng 11 là hơn 43,6 tỷ USD, nhập khẩu gần 58 tỷ USD. Ước tính hết năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của đầu tàu kinh tế phía Nam sẽ đạt khoảng 140 tỷ USD, tăng gần 10% so với 2021.
Tuy vậy, cán cân thương mại của thành phố lại thâm hụt khi nhập siêu 14 tỷ USD. Điều này cho thấy xuất khẩu có dấu hiệu giảm tốc những tháng cuối năm do tác động từ các thị trường chủ lực.
Bắc Ninh, Bình Dương lần lượt là các địa phương đứng thứ 2 và 3 trong số địa phương ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều nhất cả nước năm nay, lần lượt gần 78,6 tỷ USD và 54,4 tỷ USD.
Với kết quả khả quan từ các địa phương, ngành hàng, cơ quan hải quan cho biết xuất nhập khẩu Việt Nam năm nay cán mốc 700 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Cán cân thương mại thặng dư hơn 10,6 tỷ USD tới hết tháng 11.
Mỹ, Trung Quốc vẫn là hai thị trường lớn trong xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu từ Trung Quốc trong 11 tháng đều vượt ngưỡng 100 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, nhu cầu hàng hoá toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại, một số thị trường chính thu hẹp nhu cầu nhập khẩu hàng hoá. Hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc trên thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản... do Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của nước này rẻ hơn.
Để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới xuất nhập khẩu năm tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ phát huy vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới và cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.